T2 17:00 - 20:30
T3 17:00 - 20:30
T4 17:00 - 20:30
T5 17:00 - 20:30
T6 17:00 - 20:30
T7 (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
CN (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
HOTLINE 0918907909

THÔNG TIN SỨC KHỎE

VÌ MỘT SỨC KHỎE TỐT HƠN
Nghề sơn mài truyền thống tại Bình Dương
Ngày đăng 29-08-2014 1887
Nghề sơn mài truyền thống tại Bình Dương

 

Bình Dương, trong tiến trình phát triển mang đậm nét văn hoá thủ công truyền thống và, sơn mài là một trong những làng nghề nổi tiếng, đã tồn tại trên địa bàn hơn 300 năm. Từ lối chế tác cha truyền con nối, các lớp nghệ nhân đã dày công gửi cả tâm huyết để dần hoàn thiện tác phẩm sơn mài nghệ thuật lừng danh, với vẽ đẹp lộng lẫy và sâu sắc.

Làng Tương Bình Hiệp – chiếc nôi nghề sơn mài Bình Dương

Các nghề thủ công truyền thống sơn mài, chạm khắc, đồ mộc đã có từ rất sớm và phát triển mạnh ở đất Thủ – Bình Dương,vùng được định hình và phát triển nghề chủ yếu ở thị xã Thủ Dầu Một (Chánh Nghĩa, Phú Cường, Tương Bình Hiệp, Tân An, Định Hòa (thị xã Thủ Dầu Một).

Theo tư liệu lịch sử “Gia Định Thành Thống Chí” của Trịnh Hoài Đức, thì nghề sơn mài ở Bình Dương có từ thế kỷ XVII, do di dân từ miền Trung, miền Bắc mang theo vào vùng đất mới. Sau thời gian khai khẩn đất đai, đồng áng, sinh cơ lập nghiệp, họ đã thực hiện những bức tranh sơn mài đầu tiên – chủ yếu quét sơn vẽ tranh cảnh. Những bức vẽ cây đa, bến nước, mái đình, tre làng, … được tái hiện trên tranh giúp họ vơi đi nỗi nhớ quê nhà… 

Làng Sơn mài được biết đến nhiều và tiêu biểu nhất ở Bình Dương là làng sơn mài Tương Bình Hiệp ra đời vào thế kỷ XVIII. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi: “… ở làng Thủ Dầu Một, dân chúng có nghề làm sơn theo kiểu cổ khá thịnh vượng…”. Người Bình Dương thời ấy đã sớm nhận ra lợi thế của vùng đất này và đã dần hình thành nên làng thủ công đặc sắc. Với nguồn nguyên liệu gỗ các loại, kết hợp với sơn dầu Phú Thọ – một loại nhựa có màu sắc đẹp, lạ, bóng, bền đã tạo nên lớp men đen bóng cho những tác phẩm đơn giản ban đầu mà nghệ nhân đã không ngừng hoàn thiện kỹ thuật đã đào tạo lớp kế thừa nghề cổ truyền và phát triển lâu dài trong xã hội.

Dưới thời thuộc Pháp năm 1901, thực dân Pháp cho mở trường dạy nghề Mỹ nghệ gọi là Trường Bá nghệ thực hành Thủ Dầu Một, để phục vụ công tác khai phá thuộc địa. Từ đó, nghề thủ công mỹ nghệ có thêm đội ngũ thợ lành nghề được đào tạo chính quy-đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển của các nghề thủ công cổ truyền ở Bình Dương.

Đầu Thế kỷ XX, các nhóm thợ “Thủ” tập trung tại làng Tương Bình Hiệp – Phú Cường chủ yếu sản xuất các mặt hàng sơn mài và điêu khắc gỗ. Tên tuổi các thợ Xù Nhồng, Phèn, Dựa được vang danh khắp nơi cùng lớp nghệ nhân trẻ có học vấn, tốt nghiệp ở các trường mỹ thuật như Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương, mỹ thuật Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một.

Theo số liệu thống kê năm 1945, ở Bình Dương có 10 cơ sở sản xuất sơn mài, riêng làng Tương Bình Hiệp có hơn 300 hộ gia đình làm nghề, đặc biệt, xưởng sơn mài Thành Lễ thành lập 1943 là cơ sở sản xuất lớn nhất thời bấy giờ, tạo tiếng tăm trong và ngoài nước.

Đỉnh cao của sơn mài Bình Dương là ở thời điểm 1945 – 1975. Sự ra đời của xưởng sơn mài Thành Lễ, do hai nghệ nhân Trương Văn Thành và Nguyễn Văn Lễ sáng lập. Xưởng lúc bấy giờ quy tụ được nhiều nghệ nhân nổi tiếng trong vùng như Thái Văn Ngôi, Ngô Từ Sâm, Trần Văn Nam… hàng sơn mài giai đoạn này xuất khẩu sang các nước Châu Âu, có giá trị thương mại lớn. Hàng sơn mài thời này đạt đỉnh cao về số lượng với trình độ mỹ thuật và chất lượng nghệ thuật, sự đa dạng phong phú. Đó là thời vàng son nhất của ngành sơn mài. Tại Hội chợ Munich(Đức) 1964, sản phẩm được tặng huy chương vàng, Hội chợ công thương sài gòn 1974Triển lãm kinh tế, khoa học kỹ thuật toàn quốc năm 1975 sơn mài Bình Dương được tặng huy chương vàng.

Sơn mài – sản phẩm truyền thống độc đáo, lắm công phu

Sơn mài Bình Dương nổi tiếng được khách hàng ưa chuộng, bởi từ nguyên liệu gỗ đến khâu cuối cùng của sản phẩm phải trải qua quá trình 25 công đoạn, mỗi công đoạn đòi hỏi một nghệ thuật riêng tỉ mỉ và công phu. Một quy trình sơn mỗi sản phẩm phải mất từ 3 đến 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lưyng.

Năm 1975 đến nay, sau nhiều biến đổi, ngành sơn mài ổn định và phát triển. Sơn mài cổ điển vẫn được ưa chuộng, thêm vào đó hàng loạt các mẫu mã hiện đại, phù hợp với yêu cầu cơ chế thị hiếu mới.

Trải qua nhiều thế hệ, sơn mài trên vùng đất Bình Dương vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng thanh thoát, đậm đà tính cách Á đông. Ngày nay, các cơ sở tại làng sơn mài Tương Bình Hiệp có khả năng sản xuất khá đa dạng các sản phẩm sơn mài, từ những bức tranh nghệ thuật đến các loại tủ, bàn ghế… Bên cạnh các loại tranh sơn mài, còn có các sản phẩm sơn mài để sử dụng và trang trí như: bình, lọ, dĩa, vòng tay, hộp… Sản phẩm sơn mài nói chung có rất nhiều phương pháp thể hiện như: sơn mài sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn trứng, sơn mài cẩn xà cừ, cẩn ốc,… sự đa dạng về sản phẩm, về sự kết hợp sơn mài với các chất liệu khác như gốm, tre,... có nhiều xưởng sản xuất, xuất khẩu hàng sơn mài như các xí nghiệp Thành Lễ, Đồng Tâm, Hùng Hương,…

Với bề dày truyền thống và lịch sử phát triển vùng đất hơn 300 năm, nghề sơn mài trên đất Bình Dương vẫn giữ vững đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày nay, sự phát triển về khoa học công nghệ, nghề sơn mài từ sự kế thừa truyền thống kết hợp với hiện đại đã góp phần tạo nên tính đa dạng mẫu mã, phong phú về chất liệu… Sơn mài đã và đang là nguồn cảm hứng thẩm mỹ của các thế hệ nghệ nhân tài hoa, là tiếng nói nghệ thuật mang tính nhân bản cho bạn bè trong nước và thế giới hiểu thêm về bản sắc độc đáo của văn hóa dân gian Việt Nam.

Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp không những là niềm tự hào của bao thế hệ nơi đây, mà còn là một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng đất đáng trân trọng. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cấp các ngành, cùng với sự đồng lòng của nghệ nhân, người thợ, doanh nghiệp yêu nghề, ngày 29 tháng 8 năm 2006, Hiệp hội Sơn mài – Điêu khắc Bình Dương được thành lập tại Quyết định số: 3838/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương. Hiệp hội sẽ là cầu nối quan trọng, góp phần gìn giữ và phát huy thế mạnh nghề truyền thống sơn mài ở Bình Dương.

 

 

www.binhduong.gov.vn

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN

BÀI VIẾT QUAN TÂM NHIỀU