T2 17:00 - 20:30
T3 17:00 - 20:30
T4 17:00 - 20:30
T5 17:00 - 20:30
T6 17:00 - 20:30
T7 (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
CN (06:30 - 10:30) (16:00 - 20:30)
HOTLINE 0918907909

KIẾN THỨC Y KHOA

VÌ MỘT SỨC KHỎE TỐT HƠN
VẬT LÝ TRỊ LIỆU HÔ HẤP TRẺ EM
Ngày đăng 18-07-2013 8597
VẬT LÝ TRỊ LIỆU HÔ HẤP TRẺ EM

Như chúng ta đã biết, đặc điểm cấu trúc đường hô hấp trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 12 tháng, là hẹp và ngắn, đồng thời niêm mạc đường hô hấp có nhiều mao mạch nên khi bị viêm nhiễm dễ phù nề, xuất tiết, ứ đờm gây chít hẹp đường thở. Mặt khác, các cơ hô hấp ở trẻ em hoạt động chưa tốt, trẻ chủ yếu thở bằng bụng, trẻ càng nhỏ lại càng không có các phản xạ ho, khạc đờm như người lớn nên khi đờm nhớt bị ứ đọng nhiều thì tình trạng tắc nghẽn đường thở ngày càng nghiêm trọng hơn.

Vật lý trị liệu Hô hấp sẽ hỗ trợ tống xuất ứ đọng đờm nhớt đường hô hấp, giúp trẻ thông thoáng đường thở hơn.

Vật lý trị liệu Hô hấp để giải quyết ứ đọng đàm nhớt trong mũi, hầu họng là kỹ thuật dựa vào tính chất vật lý của chất khí để làm thay đổi áp suất trong đường dẫn khí, theo nhịp thở của trẻ để làm long đàm nhớt, thông thoáng đường thở trong một số bệnh lý về đường hô hấp như: viêm nghẹt mũi, viêm tiểu phế quản, viêm xẹp thùy phổi…giúp trẻ dễ thở hơn, giảm khò khè, giảm nôn ói và làm cho trẻ bú sữa tốt hơn.

Phòng Khám Nhi Đồng sẽ giúp các bậc phu huynh tìm hiểu các bước thực hiện trong một lần Vật lý trị liệu Hô Hấp. Các bước thực hiện trong một lần trong Vật lý trị liệu Hô hấp bao gồm 4 bước:

- Bước đầu tiên là kỹ thuật “Thông rửa mũi” : Đặt trẻ nằm nghiêng trên bàn, mẹ đứng phía chân trẻ, giữ hai tay bé. Kỹ thuật viên vật lý trị liệu để trẻ nằm nghiêng đầu về một bên, dùng nước muối sinh lý (natri clorid 0,9%) bơm vào phía trên lỗ mũi, tạo dòng chảy liên tục từ khoang mũi trên xuống khoang mũi dưới, nhằm làm đàm nhớt loãng ra để dễ dàng đưa đàm nhớt và đưa các chất tiết ra ngoài qua khoang mũi dưới.

- Bước thứ hai là kỹ thuật “Hỉ mũi” : Thực hiện trong thì thở ra, giúp tống xuất đàm nhớt tại vùng mũi - trên hầu họng ra ngoài.

- Bước thứ ba là kỹ thuật “Chặn gốc lưỡi” : giúp đẩy đàm từ vùng hầu họng ra khỏi miệng. Khi quan sát thấy trẻ chuẩn bị thở ra, kỹ thuật viên dùng ngón cái đặt dưới gốc lưỡi rồi dùng lực nhẹ nhàng di chuyển ngón cái để đưa đàm nhớt và các chất tiết từ hầu họng ra khỏi miệng nhờ lực đẩy của dòng không khí đang thở ra.

- Bước cuối cùng là kỹ thuật AFE (Acceleration du Flux Expiratoire- Kỹ thuật tăng luồng khí thở ra) : Đây là kỹ thuật được thực hiện để tống xuất đàm nhớt còn lại ở phần gần đường dẫn khí  như khí quản và phế quản lớn. Mục đích của kỹ thuật nhằm tạo ra một lực đẩy mạnh luồng không khí trong phổi ra ngoài với vận tốc gần như vận tốc của cơn ho. Kỹ thuật viên đặt một tay ở xương sườn cuối, tay còn lại đặt trên ngực trẻ. Khi trẻ bắt đầu thở ra, kỹ thuật viên sẽ trợ giúp một lực nhẹ nhàng đến khi trẻ gần kết thúc thì thở ra. Động tác trên sẽ thực hiện 5 lần, sau đó sẽ kích thích ho để tống đờm nhớt ra ngoài.

Lấy đờm nhớt cho trẻ bằng phương pháp Vật lý trị liệu hô hấp tại Phòng khám Nhi Đồng Minh Nguyệt

Cha mẹ thường lo lắng do thấy trẻ khóc nhiều trong buổi tập. Tuy nhiên trẻ khóc do sợ (không phải do trẻ đau), việc khóc sẽ giúp trẻ tống xuất đờm ra ngoài nhiều hơn vì vậy các bậc cha mẹ hãy yên tâm khi cho trẻ tập Vật lý trị liệu Hô hấp theo chỉ định của bác sĩ.

BS Trần Thị Minh Nguyệt, chuyên khoa cấp II Nhi
Phongkhamnhidong.com

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN

BÀI VIẾT QUAN TÂM NHIỀU